Sơn tĩnh điện hay công nghệ sơn tĩnh điện dường như là những cụm từ khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Với khả năng tạo ra bề mặt sơn đẹp và bền bỉ, công nghệ sơn tĩnh điện đã trở nên phổ biến và được ứng dụng nhiều trên các sản phẩm công nghiệp cũng như các sản phẩm nội thất văn phòng. Trong bài viết này, cùng Epione tìm hiểu sâu hơn về công nghệ sơn tĩnh điện và những ưu điểm cũng như hạn chế của công nghệ này nhé!
Công nghệ sơn tĩnh điện là gì?
Sơn tĩnh điện là một quy trình sơn bề mặt kim loại bằng cách sử dụng tĩnh điện để thu hút bột sơn vào bề mặt kim loại tạo nên sự liên kết bền vững. Vì theo nguyên tắc điện tích dương (+) sẽ luôn gắn chặt với điện tích âm (-) nên sẽ tạo ra một lớp sơn gắn chặt, đồng đều khắp bề mặt kim loại.
Quá trình khi thực hiện sơn tĩnh điện có thể tóm lược bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt kim loại
Bề mặt kim loại cần được làm sạch và được phủ một lớp phủ chống gỉ để đảm bảo rằng nó sẽ chịu được quá trình sơn tĩnh điện.
Bước 2: Sơn bột sơn tĩnh điện
Bột sơn tĩnh điện được tạo ra bằng cách pha trộn các hạt sơn có điện tích âm và dương, sau đó sơn bột được đưa vào sơn tĩnh điện. Khi điện được áp dụng, các hạt sơn được hút vào bề mặt kim loại để tạo thành một lớp sơn.
Bước 3: Nung sơn
Sau khi sơn được phủ lên bề mặt kim loại, nó cần được nung ở nhiệt độ cao để tạo ra một lớp sơn cứng và bền.
Năm 1945, Daniel Gustin đã phát minh ra công nghệ sơn tĩnh điện và được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế ngay tại thời điểm đó. Đến nay, công nghệ này đã được phát triển và cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường sản xuất. Hiện nay, có rất nhiều loại sơn bột khác nhau được sử dụng cho công nghệ sơn tĩnh điện như: những loại được làm từ nhựa epoxy, polyester, polyurethane và acrylic.
Ưu và nhược điểm của công nghệ sơn tĩnh điện
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, công nghệ sơn tĩnh điện đã được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, mỗi công nghệ đều có những ưu và nhược điểm nhất định, công nghệ sơn tĩnh điện cũng không ngoại lệ.
1. Ưu điểm của công nghệ sơn tĩnh điện
a. Tăng đề bền, đẹp của sản phẩm
Nhờ vào quá trình phun sơn và xử lý bề mặt sản phẩm trước khi sơn nên các sản phẩm sử dụng công nghệ sơn tĩnh điện có độ bền và vẻ ngoài đẹp hơn so với các phương pháp sơn khác.
Trước khi sơn, bề mặt sản phẩm được làm sạch hoàn toàn để loại bỏ các tạp chất. Sau đó, sản phẩm sẽ được xử lý bằng các chất hoá học để tăng cường độ bám dính của lớp sơn. Quá trình này giúp cho sơn bám chặt lên bề mặt sản phẩm, tạo ra một lớp sơn bền vững và độ bám dính cao. Từ đó, nó có khả năng chống trầy xước và chống ăn mòn tốt hơn, giúp tăng tuổi thọ của sản phẩm. Lớp phủ bằng sơn bột tĩnh điện có độ bóng cao và đồng đều, không bị lộ vết sơn, góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ của sản phẩm.
b. Thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí
Trong quá trình sơn truyền thống, dung môi hóa học thường được sử dụng để giúp sơn dễ dàng phun ra và hòa tan các chất phụ gia. Tuy nhiên, các chất này thường gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, công nghệ sơn tĩnh điện không sử dụng dung môi hóa học nào, giúp giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, quá trình phun sơn tĩnh điện cho phép sử dụng lại sơn dư từ quá trình phun trước đó. Nhờ vậy, việc sử dụng sơn trở nên tiết kiệm và hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu lượng sơn bị lãng phí và giảm thiểu khối lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Như vậy, công nghệ sơn tĩnh điện là một phương pháp sơn thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sản xuất đến môi trường, đồng thời tăng cường bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng.
c. Dễ dàng thực hiện
Công nghệ sơn tĩnh điện được xem là phương pháp sơn đơn giản và dễ dàng thực hiện so với các phương pháp sơn truyền thống bởi một số lý do như:
Đầu tiên, các thiết bị phun sơn tĩnh điện thường có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng và dễ bảo trì. Việc sử dụng các thiết bị này cũng không yêu cầu các kỹ thuật viên có kinh nghiệm và kỹ năng đặc biệt, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo.
Thứ hai, quá trình sơn tĩnh điện có độ thành công cao và ít bị lỗi hơn so với các phương pháp sơn truyền thống. Việc sử dụng điện tĩnh để tạo ra lực hút giúp sơn bám chặt vào bề mặt sản phẩm, đồng thời tạo ra một lớp sơn đồng đều và mịn màng hơn như đã nêu trên.
Cuối cùng, quá trình sơn tĩnh điện có thể được tự động hóa để tăng năng suất sản xuất. Các thiết bị phun sơn tĩnh điện có thể được kết nối với các hệ thống tự động hoá trong quá trình sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian và công sức của nhân viên, đồng thời tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Công nghệ sơn tĩnh điện được xem là phương pháp sơn đơn giản hơn các phương pháp truyền thống bởi các thiết bị phun sơn đơn giản, dễ sử dụng.
2. Nhược điểm của công nghệ sơn tĩnh điện
a. Chi phí đầu tư ban đầu cao
Việc thiết lập hệ thống sơn tĩnh điện đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, đặc biệt là khi cần mua các thiết bị phun sơn tĩnh điện và các thiết bị liên quan. Với quy mô sản xuất nhỏ, việc đầu tư máy móc sơn tĩnh điện có thể trở thành một áp lực đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ sơn tĩnh điện yêu cầu các điều kiện đặc biệt như môi trường sơn và độ ẩm. Do đó, đôi khi việc cải tạo hoặc xây dựng phòng sơn phù hợp có thể gây ra chi phí đầu tư cao hơn.
b. Khó thay đổi màu sắc
Một trong những nhược điểm của công nghệ sơn tĩnh điện đó là khó thay đổi màu sắc của sản phẩm đã được sơn. Vì quá trình yêu cầu sự đồng nhất trong suốt quá trình sơn, nên việc thay đổi màu sắc có thể khó khăn và đòi hỏi sự phức tạp hơn so với các phương pháp sơn khác. Nếu muốn thay đổi màu sắc của sản phẩm, cần phải thực hiện quá trình lột sơn và sử dụng sơn bột mới.
c. Không phù hợp với một số loại sản phẩm
Công nghệ sơn tĩnh điện không phù hợp với tất cả các loại sản phẩm. Nó có thể không hiệu quả và không đảm bảo chất lượng sơn trên một số sản phẩm có bề mặt khó bám sơn hoặc quá nhỏ. Các sản phẩm có bề mặt lỗ nhỏ, như lưới thép, một số loại dây kim loại, hoặc các sản phẩm có hình dạng phức tạp như vỏ điện thoại hay các linh kiện điện tử có thể gặp khó khăn trong quá trình sơn tĩnh điện.
Ứng dụng của công nghệ sơn tĩnh điện trong sản xuất nội thất
1. Sản xuất cửa (khung cửa)
Cửa là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu đối với một công trình xây dựng. Với chức năng chính là đảm bảo sự an toàn và riêng tư, cửa thường được làm những vật liệu bền chắc như kim loại (sắt, thép, nhôm), gỗ… Từ khi công nghệ sơn tĩnh điện ra đời, nó đã được áp dụng nhiều khi thi công, thực hiện các khung cửa và cửa cho các công trình.
Thông thường các cánh cửa phải tiếp xúc nhiều với những tác động trực tiếp cũng như thời tiết nắng mưa. Khi được phủ lớp sơn tĩnh điện, sản phẩm vừa tăng độ bền vừa có ngoại hình bắt mắt, lớp sơn đồng đều hơn khi thực hiện sơn thủ công.
2. Sản xuất bàn ghế, tủ kệ
Dường như bàn ghế, tủ kệ là những món đồ nội thất cơ bản nhất của một không gian sống, không gian làm việc. Bàn và ghế có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: gỗ, thép không gỉ, nhựa… Tuy nhiên, để đảm bảo được một bề mặt có kết cấu đẹp, mịn và dễ dàng vệ sinh các nhà sản xuất “ưu ái” phủ lên chúng một lớp sơn tĩnh điện để gia cố sản phẩm bàn và ghế.
Phương pháp sơn tĩnh điện được áp dụng với BST Essentials nhằm tăng độ bền, hạn chế trầy xước và đảm bảo tính thẩm mỹ cho các sản phẩm.[/caption]Ngày nay, công nghệ sơn tĩnh điện đã có thể cho các nhà sản xuất cũng như người dùng thêm các lựa chọn về màu sắc đến hiệu ứng mà sản phẩm có được khi phủ sơn tĩnh điện.
Trong BST Essentials mới ra mắt 3/2023 của Epione, công nghệ sơn tĩnh điện cũng đã được ứng dụng vào các sản phẩm nội thất văn phòng để tạo ra những sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
3. Sản xuất thiết bị, đồ gia dụng
Công nghệ sơn tĩnh điện cũng được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng như tủ lạnh, ghế xếp, đồ dùng nhà bếp…Sơn tĩnh điện tạo ra một lớp sơn mịn màng, đồng đều và bền vững, giúp bảo vệ bề mặt của sản phẩm khỏi trầy xước, va đập và các tác động bên ngoài khi sử dụng hàng ngày.
IKEA là một thương hiệu áp dụng công nghệ sơn tĩnh điện vào rất nhiều các sản phẩm nội thất, thiết bị gia dụng trong gia đình. (Nguồn: IKEA)
Nhìn chung, công nghệ sơn tĩnh điện là một phương pháp sơn được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và cả trong đời sống gia đình. Với những ưu điểm nổi trội về độ bền, vẻ ngoài bắt mắt, an toàn cho môi trường… công nghệ sơn tĩnh điện đang ngày càng được ưa chuộng và phát triển. Epione cũng đã ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện để thực hiện các chi tiết của ghế công thái học, bàn nâng hạ, giá đỡ màn hình và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Hy vọng, bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin tổng quát và giúp bạn phần nào đánh giá được các sản phẩm đang áp dụng công nghệ sơn tĩnh điện hiện nay.