Trong ngành dệt may, Wyzenbeek và Martindale là hai cái tên không còn xa lạ. Chúng là những bài kiểm tra về độ mài mòn và ma sát trên vải, từ đó đưa ra những kết luận về độ bền cũng như chất lượng của vật liệu. Trong ngành nội thất, các thương hiệu uy tín đều quan tâm và nghiên cứu kỹ về hai thử nghiệm trên để chọn ra vật liệu phù hợp cũng như tốt nhất cho sản phẩm của mình. Trong bài viết này, hãy cùng Epione khám phá những lý do khiến bài kiểm tra Wyzenbeek và Martindale trở nên quan trọng và ngày càng được quan tâm trong ngành nội thất.
Thử nghiệm Wyzenbeek và Martindale là gì?
Các bài kiểm tra Wyzenbeek và Martindale là hai phương pháp thường được sử dụng để dự đoán độ bền của vật liệu. Hai phương pháp này được đặt tên theo hai “cha đẻ” của hai phát minh là Andrew Wyzenbeek và JG Martindale.
Tuy nhiên chúng là các thử nghiệm kiểm tra các thuộc tính khác nhau và đây là những thử nghiệm riêng biệt. Vậy nên thành trong công thử nghiệm này không đồng nghĩa với việc thử nghiệm kia sẽ thành công.
Martindale là bài kiểm tra ưa thích ở châu u, trong khi đó Wyzenbeek được ưa thích ở Bắc Mỹ. Wyzenbeek thường được sử dụng cho sợi tổng hợp và Martindale thường được sử dụng cho len và sợi tự nhiên.
Thử nghiệm Wyzenbeek
Thử nghiệm Wyzenbeek (ASTM D4157) được coi là phương pháp tiêu chuẩn để đo khả năng chống mài mòn của vải ở Bắc Mỹ. Với phương pháp này, một miếng vải cotton canvas (cotton duck) hoặc miếng lưới kim loại (wire screen) sẽ được kẹp chặt trên một chiếc máy đặc biệt và cọ xát vào miếng vải được yêu cầu thử nghiệm. Máy bắt đầu chuyển động theo hai hướng vuông góc (chuyển động tới lui theo sợi dọc và sợi ngang) cho đến khi chúng có dấu hiệu bị mòn.
Ví dụ: Mẫu vải được kiểm tra sau mỗi 5.000 lần chà xát kép (Double Rubs) và nếu vải vẫn giữ được độ bền, nó sẽ trải qua một chu kỳ 5.000 lần khác. Khi đã thấy rõ sự sờn rách hoặc xảy ra hai lần đứt sợi, tức là đã đạt đến điểm kết thúc và khả năng chống mài mòn của chất liệu vải đó sẽ được đánh giá theo điểm kết thúc (điểm cuối cùng) mà nó đã vượt qua.
Một số thuật ngữ cần chú ý:
- Mỗi lần chuyển động qua lại là một lần “chà xát kép”.
- Vải cotton canvas hoặc miếng lưới kim loại (wire screen) đóng vai trò là chất mài mòn.
- 'Điểm kết thúc' được xác định khi mẫu vải thí nghiệm có hai sợi liên tiếp bị đứt. Thử nghiệm được dừng lại và kết quả được ghi lại tại thời điểm đó.
Thông thường, vải cotton canvas là chất mài mòn phổ biến trong các thử nghiệm Wyzenbeek. Nhưng cũng có một số trường hợp họ sử dụng một miếng lưới kim loại để làm chất mài mòn. Những trường hợp này thường thử nghiệm trên những mẫu vải được cho là có khả năng chống mài mòn cực cao, chẳng hạn như olefin.
Sau thí nghiệm, miếng vải đáp ứng tiêu chuẩn cho mục đích kinh doanh các đồ dùng dân dụng phải đạt từ 15.000 lần chà xát kép, 30.000 lần cho mục đích kinh doanh thương mại quy mô lớn hơn (nhà hàng, phòng hội nghị, khách sạn…). Bên cạnh đó, có thể yêu cầu cao hơn 30.000 lần với các mục đích kinh doanh - thương mại lớn như sân vận động, nhà hát…
Dưới đây là bảng đánh giá về kết quả thử nghiệm Wyzenbeek và các ứng dụng sản xuất đồ dân dụng (Double Rubs for Residential Applications).
Số lần chà xát kép (Double Rubs) | Cấp độ chống mài mòn | Ứng dụng |
---|---|---|
< 3.000 | Yếu (Delicate Duty) | Trang trí nhà cửa: rèm, màn, gối… |
3.000 - 9.000 | Nhẹ (Light Duty) | Đồ nội thất cơ bản hoặc ít sử dụng |
9.000 - 15.000 | Trung bình (Medium Duty) | Linh hoạt trong các đồ dùng phòng khách, phòng gia đình khác… |
> 30.000 | Cao (Heavy Duty) | Lý tưởng cho phòng khách, phòng gia đình hoặc khu vực buôn bán đông đúc |
Bảng đánh giá về kết quả thử nghiệm Wyzenbeek và ứng dụng trong kinh doanh thương mại vừa và lớn (Double Rubs for Commercial Applications).
Số lần chà xát kép (Double Rubs) | Cấp độ chống mài mòn | Ứng dụng |
---|---|---|
15.000 | Tối thiểu (Contract Upholstery Minimum) | Các loại bọc đệm |
15.000 - 30.000 | Cao (Heavy Duty) | Phòng hội nghị, phòng khách sạn, khu vực ăn uống |
> 30.000 | Rất cao (Extra-Heavy Duty) | Sử dụng trong nhà ga, sân bay, sân vận động… |
Thử nghiệm Martindale
Martindale (ASTM D4966) là bài kiểm tra ưa thích ở châu u và đã được quốc tế công nhận để đo khả năng chống mài mòn của vải. Trong phương pháp này, một máy dao động đặc biệt sẽ chà xát vải theo hình số 8 quay với một miếng vải len hoặc miếng lưới kim loại.
Trong đó, mỗi số 8 là một chu kì và miếng vải len hoặc miếng lưới kim loại là chất mài mòn.
Nếu thử nghiệm Wyzenbeek chỉ đo độ mài mòn theo chuyển động tới lui, thì thử nghiệm Martindale đo khả năng chống mài mòn theo nhiều hướng.
Kết quả của thử nghiệm Martindale được hiển thị dưới dạng số chu kỳ hoàn thành trước khi vải bắt đầu có dấu hiệu hao mòn. Nếu hai hoặc nhiều sợi bị đứt, vón cục hoặc lủng lỗ thì được coi là dấu hiệu của sự hao mòn. Dưới đây là kết quả và ứng dụng của bài kiểm tra Martindale trong thực tế.
Số chu kỳ | Cấp độ chống mài mòn | Ứng dụng |
---|---|---|
6.000 | Nhẹ (Light Use) | Thỉnh thoảng sử dụng trong sản xuất hàng nội địa |
15.000 | Nhẹ (Light Duty) | Sử dụng cho các sản phẩm nhẹ trong nhà |
20.000 | Nhẹ (Light Duty) | Sử dụng nhiều cho các sản phẩm dân dụng |
25.000 | Trung bình (General Use) | Sử dụng nhiều cho các sản phẩm dân dụng |
30.000 | Cao (Heavy Duty Use) | Sử dụng nhiều cho các sản phẩm dân dụng yêu cầu cao |
Máy thử nghiệm mài mòn vải Martindale tại Materialized (Nguồn: materialised.com.au)
Có vẻ như con số càng cao thì chất lượng càng tốt, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Ví dụ: kết quả trên 100.000 lần chà xát kép/chu kỳ không nhất thiết có nghĩa là hàng dệt sẽ tồn tại mãi mãi. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ bền tổng thể của vải: cách sử dụng, cách vệ sinh, cách bảo quản… Một miếng vải có dán nhãn đạt 300.000 lần chà xát thì không có nghĩa là nó sẽ tồn tại lâu hơn gấp 10 lần so với miếng vải có nhãn 30.000 lần chà xát.
Hiệu suất thực tế của vải vóc thường được xác định bởi nhiều yếu tố như hàm lượng sợi, kiểu dệt, độ hoàn thiện, bảo trì, vệ sinh và cách sử dụng. Độ bền của vải vóc là sự kết hợp phức tạp của một số thử nghiệm hiệu suất, ngoài độ mài mòn, còn bao gồm độ trượt của đường may, độ vón cục, độ bền…
Ứng dụng quan trọng của bài thử nghiệm và Wyzenbeek và Martindale trong ngành nội thất
Wyzenbeek và Martindale là hai phương pháp không thể thiếu khi kiểm tra chất lượng vải trong ngành thiết kế và sản xuất nội thất. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và độ bền của các sản phẩm trước khi đến tay người dùng. Hai bài kiểm tra Martindale và Wyzenbeek thật sự được hãng nội thất quan tâm bởi 5 lý do sau:
1. Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Wyzenbeek và Martindale giúp đánh giá khả năng chống mài mòn của vải và các vật liệu khác. Khả năng chống mài mòn là chỉ số quan trọng để xác định sự bền bỉ và độ tồn tại của sản phẩm nội thất qua thời gian. Việc sử dụng những vật liệu đã vượt qua kiểm tra Martindale và Wyzenbeek đảm bảo rằng sản phẩm sẽ không bị hỏng hóc hoặc hao hụt các tính năng trong quá trình sử dụng thường xuyên.
2. Lựa chọn vật liệu phù hợp
Wyzenbeek và Martindale giúp người thiết kế và nhà sản xuất lựa chọn vải phù hợp cho từng loại sản phẩm nội thất. Tùy thuộc vào mức độ sử dụng và môi trường, họ có thể lựa chọn vải có khả năng chống mài mòn phù hợp, từ các sản phẩm nhẹ nhàng như rèm cửa trong nhà đến các sản phẩm nặng như ghế công thái học, thảm trải sàn…
Chọn vật liệu phù hợp giúp các hãng sản xuất tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng như mong muốn.
3. Tăng tính thẩm mỹ và chuyên nghiệp
Không chỉ đảm bảo độ bền, các chất liệu vượt qua thử nghiệm Wyzenbeek và Martindale còn góp phần đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng của sản phẩm nội thất. Sử dụng vải đã qua kiểm tra chống mài mòn giúp sản phẩm giữ được hình dáng ban đầu và không bị biến dạng sau một thời gian sử dụng.
4. Tạo lòng tin cho khách hàng
Wyzenbeek và Martindale không chỉ là các bài kiểm tra nhỏ trong một quốc gia mà còn được cả quốc tế công nhận. Sử dụng vật liệu đã qua kiểm tra Wyzenbeek và Martindalegiúp tạo lòng tin cho khách hàng. Người dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng sản phẩm nội thất mà họ mua có khả năng chống mài mòn cao, bền bỉ theo năm tháng và là một sản phẩm xứng đáng “xuống tiền”.
5. Tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm
Việc sử dụng vải có khả năng chống mài mòn cao giúp tối ưu hóa hiệu suất và tuổi thọ của các sản phẩm nội thất. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng cũng như nhà sản xuất giảm bớt nỗi lo lắng về việc sửa chữa, thay thế và bảo hành sản phẩm.
Ví dụ: Ghế công thái học thường xuất hiện trong các môi trường nghiêm túc như văn phòng, phòng học hay không gian làm việc chuyên nghiệp. Việc sử dụng vải chất lượng, đã được kiểm tra chống mài mòn qua Martindale và Wyzenbeek, giúp duy trì tính thẩm mỹ và chất lượng của sản phẩm trong thời gian dài.
Vật liệu đạt chuẩn giúp hạn chế nỗi lo về việc hư hỏng, bảo hành, thay thế sau một thời gian sử dụng.
Nhìn chung, bài thử nghiệm Martindale và Wyzenbeek không đóng vai trò là tất cả nhưng cũng là một trong những công cụ quan trọng nhằm lựa chọn vật liệu để tạo ra những sản phẩm nội thất đảm bảo chất lượng, độ bền và tính thẩm mỹ. Martindale và Wyzenbeek không chỉ tạo nên những sản phẩm nội thất xuất sắc mà chúng có thể giúp các thương hiệu định vị mình trên thương trường. Bên cạnh đó, hai bài kiểm tra này phần nào giúp người dùng hiểu hơn về các chất liệu vải, sản phẩm nội thất mà họ định sở hữu.