Bạn đã dành ít nhất 8 tiếng mỗi ngày ngồi trên chiếc ghế làm việc, nhưng đã bao giờ bạn quan tâm đến việc vệ sinh ghế của mình chưa? Việc giữ cho ghế văn phòng luôn sạch sẽ không chỉ mang lại cảm giác thoải mái, mà còn đảm bảo sức khỏe và tăng cường hiệu suất làm việc. Nếu bạn chưa biết cách vệ sinh ghế làm việc của mình như thế nào cho đúng cách và hiệu quả, hãy để Epione giúp bạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý từng bước vệ sinh để "người bạn đồng hành" hàng ngày của bạn luôn được giữ gìn sạch như mới.
5 lưu ý trước khi tiến hành vệ sinh ghế văn phòng
Để việc vệ sinh ghế văn phòng diễn ra hiệu quả và an toàn, bạn cần ghi nhớ một số vấn đề sau:
1. Đọc hướng dẫn sử dụng ghế
Có thể bạn chưa bao giờ đọc hoặc đã “bỏ xó” tờ hướng dẫn sử dụng ghế của nhà sản xuất thì nhanh chóng tìm kiếm hoặc tra cứu ngay bởi nó thực sự hữu ích. Chỉ có đơn vị sản xuất ghế mới thực sự hiểu rõ được chất liệu, các ngóc ngách và cách vệ sinh “đứa con” của họ.
Mỗi loại ghế có thể có những yêu cầu, hướng dẫn và lưu ý vệ sinh khác nhau, Vì vậy hãy đảm bảo bạn nắm rõ thông tin này trước khi bắt tay vào làm sạch chiếc ghế của mình.
2. Xác định vật liệu ghế
Hiện nay, ghế văn phòng có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như da, vải, lưới, nhựa… Xác định chính xác chất liệu của ghế giúp bạn tìm kiếm, sử dụng các phương pháp vệ sinh và các chất tẩy rửa phù hợp. Mỗi chất liệu có các đặc điểm riêng và sử dụng sai chất tẩy rửa có thể gây hại cho bề mặt ghế.
3. Kiểm tra tình trạng ghế
Trước khi bắt tay thực hiện quá trình “tân trang”, bạn cần thực hiện kiểm tra và đánh tổng thể của ghế làm việc. Nếu ghế có vết nứt, rách, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác, hãy xem xét việc sửa chữa hoặc thay thế trước khi tiến hành vệ sinh. Để chắc chắn hơn, bạn có thể trực tiếp liên hệ, trao đổi với nhà sản xuất. Điều này đảm bảo rằng bạn không gây thêm hư hỏng khi vệ sinh.
Kiểm tra ghế là một trong những thao tác quan trọng bạn cần thực hiện trước khi vệ sinh chuyên sâu.
4. Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh
Tránh tình trạng lóng ngóng gây mất thời gian, bạn nên liệt kê và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi tiến hành vệ sinh ghế. Một số dụng cụ vệ sinh cần thiết bạn nên chuẩn bị trước như bàn chải mềm, khăn mềm, chất tẩy rửa phù hợp, chổi, lăn bụi (hoặc máy hút bụi), nước sạch…
5. Vệ sinh thử nghiệm
Sở dĩ cần vệ sinh thử nghiệm trước bởi bạn cần đảm bảo rằng chất tẩy rửa không gây hại hoặc làm thay đổi màu sắc của ghế. Trước khi áp dụng chất tẩy rửa hoặc phương pháp vệ sinh lên toàn bộ ghế, hãy thử nghiệm trên một vùng nhỏ. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và có thể điều chỉnh cách vệ sinh ghế một cách phù hợp khi cần.
Hướng dẫn vệ sinh ghế làm việc theo từng vật liệu
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều ghế văn phòng được làm từ các chất liệu khác nhau. Để mỗi chiếc ghế đều sạch sẽ và giữ được độ bền theo thời gian, cách vệ sinh chúng cũng có những sự khác biệt. Epione sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách vệ sinh ghế và những lưu ý cho các vật liệu sau:
1. Vệ sinh ghế văn phòng vật liệu lưới
Hiện tại, chưa có một số liệu cụ thể về số lượng chính xác của người dùng ghế văn phòng vật liệu lưới trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ghế văn phòng vật liệu lưới đã trở thành một lựa chọn phổ biến và được nhiều người ưa chuộng trong các môi trường làm việc văn phòng và không gian làm việc tại nhà. Đây cũng là một trong số những vật liệu tương đối dễ vệ sinh. Để làm sạch ghế làm việc vật liệu lưới, bạn có thể tham khảo 03 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Loại bỏ bụi bẩn và rác
- Sử dụng một cây chổi nhỏ, cây lăn bụi hoặc máy hút bụi để loại bỏ bụi và rác từ bề mặt lưới ghế.
- Nếu có các mảng bẩn hoặc vết bẩn cứng đầu, bạn có thể sử dụng cụ để bóc tách hoặc bàn chải chà nhẹ vết bẩn.
Bước 2: Lau chùi bề mặt
Đối với vết bụi bẩn thông thường:
- Sử dụng một miếng vải mềm, làm ẩm nó bằng hỗn hợp nước ấm với một ít dung dịch tẩy rửa.
- Dùng khăn nhẹ nhàng lau sạch bụi bẩn trên ghế lưới của bạn. Lặp lại cho đến khi bụi bẩn trên ghế được loại bỏ hoàn toàn.
- Lần cuối, bạn hãy lau bề mặt lưới với một chiếc khăn sạch, chỉ làm ẩm bằng nước ấm (không pha hóa chất tẩy rửa).
Đối với vết bẩn cứng đầu:
Cách 1: Sử dụng hỗn hợp muối nở (banking soda) và giấm
Tạo một hỗn hợp sệt với muối nở và một lượng giấm vừa đủ để tạo độ sệt giống như bột nhão. Bôi hỗn hợp trực tiếp lên ghế lưới của bạn và để yên cho đến khi hỗn hợp khô lại. Lấy một chiếc khăn và lau sạch ghế lưới để loại bỏ bất kỳ dư lượng dư thừa nào.
Cách 2: Sử dụng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng
Bên cạnh hỗn hợp muối nở và giấm, trên thị trường đã có những sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng. Pha chất tẩy rửa theo hướng dẫn sử dụng, dùng cọ hoặc bàn chải mềm nhúng vào dung dịch và chà xát nhẹ để từ từ loại bỏ vết bẩn. Sau đó, lau chùi lại bằng nước sạch để loại bỏ hoàn toàn chất tẩy rửa.
Lưu ý: Nhớ lau chùi nhẹ nhàng và không tạo áp lực quá mạnh lên lưới để tránh làm hỏng hay giãn lưới.
Bước 3: Lau khô và bảo quản
- Sau khi vệ sinh, hãy để ghế tự nhiên khô hoàn toàn. Đảm bảo không có ẩm ướt còn lại trên bề mặt lưới.
- Khi ghế đã khô, bạn có thể sử dụng một chất bảo, xịt chống thấm, xịt nano hoặc xịt hương thơm cho chiếc ghế lưới của mình.
- Nên bảo quản ghế văn phòng ở môi trường khô ráo và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Khử khuẩn cho ghế văn phòng dạng lưới giúp ghế bền đẹp, thơm lâu.
2. Vệ sinh ghế văn phòng vật liệu da
Ghế văn phòng vật liệu da đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho môi trường làm việc chuyên nghiệp, có yêu cầu cao về thẩm mỹ và thể hiện đẳng cấp của người dùng. Thông thường, chi phí cho một chiếc ghế làm việc bằng da (da thật và da tổng hợp) sẽ cao hơn các chất liệu khác. Để vệ sinh, bảo quản giúp nâng cao tuổi thọ của ghế, bạn có thể tham khảo 03 bước sau:
Bước 1: Loại bỏ bụi bẩn và rác
- Sử dụng một cây chổi nhẹ hoặc một cây hút bụi để loại bỏ bụi và rác từ bề mặt da. Bạn cũng có thể sử dụng một miếng vải sạch để lau nhẹ nhàng và loại bỏ bụi trên ghế. Chú ý các góc kẹt bởi đây là nơi dễ tích tụ sạn, bụi bẩn, tóc…
Bước 2: Lau chùi bề mặt
- Đầu tiên, hãy làm sạch bề mặt da bằng một chiếc khăn ẩm vắt thật khô.
- Sau đó, bạn có thể sử dụng một dung dịch làm sạch da pha loãng hoặc một chất tẩy rửa da nhẹ để làm sạch vết bẩn cứng đầu. Hãy nhớ sử dụng bàn chải, khăn mềm và dung dịch tẩy rửa theo hướng dẫn sử dụng.
- Nếu các vết bẩn khó tẩy rửa, bạn có thể thử dùng một ít dung dịch cồn tẩy rửa 70% trên một miếng vải khô để lau chúng. Bên cạnh đó, bạn có thể thử thêm giấm trắng pha với nước ở tỉ lệ 1:1 và các chất tẩy rửa chuyên dụng khác trên thị trường.
Da là một vật liệu có tính thẩm mỹ cao, nếu vệ sinh không đúng cách sẽ dễ gây hư hỏng.
Bước 3: Lau khô và bảo quản
- Sau khi vệ sinh, hãy để da tự nhiên khô hoàn toàn. Đảm bảo không có ẩm ướt còn lại trên bề mặt da trước khi sử dụng lại ghế.
- Nếu bạn muốn, bạn có thể sử dụng một loại kem, sáp hoặc dầu dưỡng bề mặt da chuyên dụng để bảo quản và giữ cho mặt ghế trông mềm mịn, thẩm mỹ cao hơn.
3. Vệ sinh ghế văn phòng vật liệu gỗ
Trong lịch sử ghế văn phòng, ghế làm việc vật liệu gỗ đã có “thâm niên” lâu đời. Cùng với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các vật liệu khác như da tổng hợp, lưới, nhựa… ghế văn phòng vật liệu gỗ vẫn có một lượng “fans” nhất định. Ghế làm việc bằng gỗ thường được ưa thích vì tính tự nhiên, đẹp mắt của chất liệu và có thể tùy chỉnh thiết kế theo mong muốn người dùng. Ghế gỗ cũng cần được bảo quản, vệ sinh thường xuyên để đảm bảo độ bền cũng như tính thẩm mỹ. Nếu không được vệ sinh và bảo quản đúng cách, gỗ có thể bị nứt nẻ, trầy xước hoặc bị hư hỏng do môi trường và sử dụng không đúng cách.
Để vệ sinh ghế văn phòng vật liệu gỗ, bạn có thể tham khảo và áp dụng những 03 bước sau:
Bước 1: Loại bỏ bụi bẩn và rác
- Bạn hãy sử dụng một miếng vải sợi nhỏ vừa đủ ẩm để loại bỏ bụi bẩn (Sử dụng vải cotton để tránh làm hỏng gỗ).
- Nhanh chóng lau khô bằng một miếng vải khác. Đừng để nước đọng trên gỗ vì nó có thể làm cong, nứt bề mặt.
Bước 2: Lau chùi và xử lý các vết bẩn (nấm mốc, vết bẩn cứng đầu…)
- Không giống như nhựa, bề mặt gỗ cần được xử lý làm sạch bởi các dung dịch, hóa chất chuyên dụng. Sử dụng một chất bảo quản gỗ hoặc một loại dầu chăm sóc gỗ chuyên dụng để bảo quản gỗ giúp ghế làm việc của bạn vừa bền vừa đẹp. Tùy vào nhu cầu sử dụng, bạn có thể tham khảo một vài loại hóa chất tẩy rửa sau:
- Sau khi đã tìm cho mình một dung dịch phù hợp, hãy thực hiện pha hóa chất và lau chùi theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Bước 3: Lau khô và bảo quản
- Sau khi vệ sinh, hãy để gỗ tự nhiên khô hoàn toàn. Đảm bảo không có ẩm ướt còn lại trên bề mặt gỗ trước khi sử dụng lại ghế.
4. Vệ sinh ghế văn phòng vật liệu vải, đệm foam
Ghế văn phòng vật liệu vải, đệm foam là một trong những những loại ghế văn phòng phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Sự êm ái, thoải mái và đa dạng trong lựa chọn là những yếu tố giúp ghế văn phòng được làm từ đệm foam và vải “được lòng” người dùng. Vải và đệm foam cũng là một chất liệu dễ vệ sinh. Nếu bạn đang băn khoăn chưa biết nên vệ sinh hai chất liệu này như thế nào, bạn có thể cân nhắc 03 bước sau:
Bước 1: Loại bỏ bụi bẩn và rác
- Không khác những chất liệu khác, việc đầu tiên bạn cần phải sử dụng một chiếc chổi lông gà, cây lăn bụi hoặc máy hút bụi để loại bỏ một phần bụi bẩn đang bám trên ghế.
Hút bụi trước cho ghế văn phòng có đệm foam giúp những bước tiếp theo nhẹ nhàng hơn.
Bước 2: Làm sạch sâu các vết bẩn
- Nhúng miếng vải vào chất tẩy rửa đã chuẩn bị từ trước, lau chùi khắp bề mặt vải, đệm. Bạn nên lau theo chiều xoắn ốc để loại bỏ tối ưu được các vết bẩn.
- Sử dụng một khăn mềm, ẩm và sạch khác để lau chùi nhẹ nhàng bề mặt ghế. Điều này giúp loại bỏ bụi và chất bẩn còn lại sau quá trình làm sạch.
Bước 3: Lau khô và bảo quản
- Sau khi làm sạch, hãy để ghế tự nhiên khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp và hạn chế tiếp xúc với nước trong quá trình khô.
5. Vệ sinh ghế văn phòng vật liệu nhựa
Ghế văn phòng nhựa được sử dụng phổ biến trong môi trường văn phòng, nhất là trong các khu vực có yêu cầu về tính linh hoạt, dễ dàng di chuyển và dễ vệ sinh. 03 bước sau có thể giúp bạn làm sạch ghế văn phòng vật liệu nhựa thật đơn giản:
Bước 1: Loại bỏ bụi và rác
- Sử dụng một cây chổi nhẹ hoặc một cây hút bụi để loại bỏ bụi và rác từ bề mặt ghế. Đảm bảo làm sạch cả phần trên và phía dưới của ghế.
Bước 2: Lau chùi bề mặt
- Sử dụng một khăn ẩm hoặc dung dịch lau chùi nhẹ để lau sạch bề mặt nhựa. Bạn có thể sử dụng nước ấm pha loãng với xà phòng nhẹ hoặc dung dịch lau chùi không chứa hóa chất gây ảnh hưởng đến nhựa. Tránh sử dụng các dung dịch chứa chất tẩy mạnh hoặc chà xát quá mạnh có thể làm hỏng bề mặt nhựa.
Bước 3: Lau khô
- Sau khi làm sạch, hãy để ghế tự nhiên khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại.
Nếu bạn ngần ngại phải tự vệ sinh ghế tại nhà hoặc số lượng ghế tại văn phòng quá lớn, bạn có thể tìm kiếm những đơn vị vệ sinh ghế tận nơi để được tư vấn và báo giá. Ngoài ra, bạn có thể “tính toán” ngay từ lúc mua ghế văn phòng bởi hiện tại đã có những đơn vị cung cấp ghế có đi kèm gói bảo dưỡng ghế miễn phí.
Với chính sách hậu mãi hấp dẫn, bạn sẽ được tặng kèm gói EasyCare - gói vệ sinh ghế làm công thái học ngay tại nhà khi mua sản phẩm ghế tại Epione. Hiện tại, với ngân sách hơn 3.000.000₫ bạn đã có thể sở hữu một chiếc ghế công thái học trong BST Essential mới nhất của Epione.
Trên đây là những hướng dẫn đơn giản nhưng hiệu quả để vệ sinh ghế văn phòng dù ghế của bạn được làm từ bất cứ vật liệu nào. Vệ sinh và bảo dưỡng ghế văn phòng đều đặn sẽ giúp bạn tạo ra môi trường làm việc thoải mái, duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và tiết kiệm được ngân sách đầu tư vào các sản phẩm nội thất văn phòng.