Thiết kế nội thất tối giản là một cụm từ được nhắc đến bởi nhiều người trên toàn thế giới. Nhưng nó thật sự là gì? Không chỉ là một căn phòng gọn gàng với bảng màu đơn sắc cùng với một vài món nội thất, nó bao hàm nhiều hơn thế. Cụ thể trong bài viết này, bạn sẽ có thêm những kiến thức hữu ích về nguồn gốc, đặc điểm và cách ứng dụng nó vào setup góc làm việc.
Thiết kế phong cách tối giản là gì?
1. Nguồn gốc thiết kế
Không ai biết rõ thời điểm bắt đầu của thiết kế tối giản, chỉ biết rằng nó đã được xác định là một phong cách ngay từ những năm 60 và 70. Khi phong cách này hình thành trong nghệ thuật thị giác, nhiều nguyên tắc cốt lõi của nó cũng được giới thiệu trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc và trở nên đặc biệt phổ biến vào những năm 1980.
Thiết kế tối giản xuất hiện vào thế kỷ 20 như một sự phản ứng với các phong cách trang trí phức tạp trong quá khứ, từ kiến trúc thời Victoria rườm rà đến nghệ thuật Biểu hiện trừu tượng (Abstract expressionism).
Nhắc đến lối thiết kế tối giản, không thể không biết đến người có tầm nhìn như Ludwig Mies van der Rohe, kiến trúc sư huyền thoại người Đức với câu nói “less is more” (ít hơn là nhiều hơn). Ông gắn liền với Bauhaus và chủ nghĩa hiện đại, đã tận dụng sự sẵn có của các vật liệu mới như kính, thép và bê tông để tạo ra các cấu trúc tối giản nhưng trông tươi mới và hợp thời cách đây nhiều thập kỷ.
Phong trào nghệ thuật tối giản đã lan rộng khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến là Bauhaus - một trường phái và phong cách nghệ thuật của Đức phát triển mạnh mẽ từ năm 1919 đến năm 1933; De Stijl - một phong cách nghệ thuật của Hà Lan tồn tại từ năm 1917 đến năm 1931 hay Thiền tông - tuân thủ lối sống tối giản và giảm bớt sự dư thừa của cuộc sống đến từ Nhật Bản.
2. Đặc điểm chính
Trái ngược với niềm tin phổ biến, thiết kế tối giản không phải là sống với càng ít đồ đạc càng tốt. Mục đích cốt lõi của thiết kế tối giản là tạo ra sự hài hòa giữa con người và không gian, tập trung vào những gì thật sự cần thiết, bỏ đi tính dư thừa, đồng thời cải thiện chất lượng, tính hợp lý và chức năng của sản phẩm hoặc không gian. Thiết kế này bao gồm các đặc điểm chính như:
- Bảng màu đơn sắc: Thiết kế tối giản nói chung có xu hướng gắn liền với các màu sắc trung tính như màu trắng, be, đen hoặc xám với tùy chọn màu nhấn. Tuy nhiên, không gian có thể sẽ không hấp dẫn cho lắm. Bạn có thể phá vỡ sự đơn điệu này bằng cách trang bị thêm phụ kiện mà vẫn giữ nguyên tinh thần tối giản.
- Đường kẻ và các dạng hình học thuần túy: Trong thiết kế tối giản, mọi đường nét và hình khối đều có mục đích. Chúng mang đến cho không gian cảm giác thanh lịch và ngăn nắp. Bạn hãy tìm kiếm những món đồ có chân thẳng, góc nhọn và bề mặt nhẵn bởi chúng tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ, sạch sẽ và gọn gàng của thiết kế nội thất tối giản.
- Nội thất chức năng: Đồ nội thất trong không gian tối giản không chỉ đơn thuần là vật trang trí, nó phục vụ cho những mục đích thực tế. Mỗi món đồ đều được lựa chọn chu đáo để tối đa hóa cả về mặt tiện ích và thẩm mỹ. Mỗi món đồ là linh hồn, tạo nên sự hài hòa cho không gian tổng thể.
- Ánh sáng tự nhiên và không gian mở: Thiết kế tối giản tôn vinh ánh sáng tự nhiên như một yếu tố thiết yếu. Bạn có thể sử dụng thêm rèm che để giảm bớt ánh nắng gay gắt, hoặc dán lớp kính mờ để bảo vệ quyền riêng tư nhé! Tận dụng ánh sáng tự nhiên
- Sự gọn gàng và sạch sẽ: Bởi vì chủ nghĩa tối giản tập trung vào những gì thực sự khiến chúng ta hạnh phúc, do đó duy trì sự gọn gàng và sạch sẽ cho góc làm việc cũng như tâm trí là hết sức quan trọng. Nó “mở đường” cho sự sáng tạo và những gì thực sự có ý nghĩa.
Lợi ích của việc thiết lập góc làm việc tối giản
Thiết kế tối giản là sự lựa chọn của nhiều người trên toàn thế giới. Một phần được như vậy là do những lợi ích tích cực lên cuộc sống của người sở hữu nó. Các lợi ích thiết thực có thể kể đến như:
- Tăng năng suất làm việc: Một nhóm các nhà khoa học tâm lý từ Đại học George Mason đã phát hiện ra rằng sự xao nhãng có thể dẫn đến hiệu suất bị suy giảm. Sự sao nhãng đến từ việc có quá nhiều đồ trên bàn làm việc hoặc có quá nhiều màu sắc không đồng nhất. Do đó, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết sẽ giúp bạn cải thiện năng suất đáng kể.
- Bảo vệ sức khỏe: Nhiều nghiên cứu khoa học đã nhấn mạnh tác động tiêu cực của sự lộn xộn đối với sức khỏe tâm thần, trong đó, một nghiên cứu chỉ ra rằng “Sự bừa bộn cũng có thể gây ra phản ứng sinh lý, bao gồm tăng mức độ cortisol, một loại hormone gây căng thẳng”. Hơn nữa, bằng cách giữ bàn làm việc sạch sẽ là bạn đã giúp ngăn ngừa được vi khuẩn, nấm mốc và các chất gây dị ứng khác.
- Tối đa hóa không gian: Bằng cách chỉ sử dụng đồ nội thất tối thiểu, bạn có thể biến góc làm việc nhỏ của mình thành một nơi rộng rãi và sáng sủa hơn. Phần không gian trống còn lại sẽ dành cho những mục đích thiết thực khác.
- Tiết kiệm chi phí: Càng mua ít đồ thì số dư tài khoản của bạn sẽ càng tăng. Việc lựa chọn kĩ những gì thực sự quan trọng cũng giúp bạn tránh chi những số tiền không đáng cho những thứ bạn không cần.
- Tăng tính linh hoạt: Nỗi lo về việc thay đổi vị trí hay bố cục sẽ làm hỏng sự hài hòa tổng thể là khó xảy ra với phong cách tối giản. Tất cả các món đồ trên bàn bạn lúc này có màu sắc tương đồng nhau, do đó bạn có thể tha hồ di chuyển chúng mà không làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của không gian nói chung.
- Bảo vệ môi trường: Bằng việc chú trọng chất lượng hơn số lượng, bạn chọn mua những món đồ có chất liệu bền vững, góp phần giảm thiểu sự đào thải ra môi trường. Đâu cần làm điều gì lớn lao, chỉ vậy thôi là bạn đã góp phần bảo vệ “hành tinh xinh đẹp” này rồi đó!
Hướng dẫn setup góc làm việc tối giản
1. Lựa chọn ý tưởng setup mong muốn
Tối giản không có nghĩa là chỉ được sử dụng một vài món đồ xoay quanh các màu cơ bản như be, trắng, đen. Như thế sẽ gây cảm giác nhàm chán và đơn điệu. Như mình đã đề cập phía bên trên, bạn hoàn toàn có thể phá vỡ sự đơn điệu bằng cách pha thêm điểm nhấn với một vài phụ kiện màu sắc nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần tối giản. Một vài gợi ý setup ngay sau đây sẽ giúp bạn lựa chọn được bầu không khí tối giản mà bạn muốn hướng đến!
- Lưu giữ phiên bản thuần khiết của chủ nghĩa tối giản Tối giản thuần khiết
- Mang sự trong trẻo, xanh mát vào góc làm việc Tối giản hòa hợp với thiên nhiên.
- Pha chút trầm ấm, mộc mạc từ phong cách cổ điển[caption Tối giản pha chút cổ điển
- Đem nét hiện đại, phá cách vào thiết kế tối giản[caption Tối giản theo phong cách hiện đại
- Thể hiện cá tính với setup “full đen” Tối giản cá tính
2. Làm trống bàn làm việc tạm thời
Trước khi nghĩ xem cần mua những gì, bạn nên dọn dẹp góc làm việc hiện tại. Một không gian trống sẽ mang đến những ý tưởng mới về những gì có thể làm được và thực sự giúp bạn hình dung chiếc bàn tối giản của mình sẽ trông như thế nào.
Đây là cơ hội để lau sạch toàn bộ bàn làm việc cũng như xử lý các nhược điểm của góc setup. Chẳng hạn như:
- Bàn làm việc đặt ở vị trí này liệu có hợp lý chưa? Có cách nào để khiến nó “đỉnh chóp” hơn không? Góc làm việc này có dễ dàng cho bạn để vệ sinh thường xuyên?
- Nếu đặt bàn gần cửa sổ, ánh sáng bên ngoài có làm bạn chói mắt và cảm thấy nóng rát? Khi trời mưa thì có ảnh hưởng đến bạn không?
- Bàn làm việc đã được đi dây gọn gàng hay chưa? Có cái gì thiếu hoặc dư thừa mà bạn muốn thay đổi trong việc setup lần này?
Nếu có thể, hãy ghi tất cả vào sổ. Những khó khăn và giải pháp cho những vấn đề bạn gặp phải, danh sách những món đồ hiện có và cả những món bạn cần hoặc muốn mua. Và đây sẽ là bước khởi đầu tuyệt vời cho một góc làm việc trong mơ của bạn!
3. Bắt đầu với những thành phần cơ bản
Góc làm việc với các trang thiết bị cần thiết.
Điều gì thực sự cần thiết cho góc làm việc của bạn? Thứ mà nếu không có nó, bạn không thể hoàn thành công việc của mình? Thông thường, bàn học, ghế ngồi, máy tính, bàn phím và chuột sẽ là những thành phần cơ bản nhất khi ngồi làm việc.
Tiếp theo, hãy nghĩ đến những món không quá cần thiết nhưng nếu có chúng, công việc của bạn sẽ tốt hơn nhiều. Chúng có thể là chiếc đèn bàn, tủ văn phòng, sổ tay, loa ngoài, arm màn hình,... tùy vào nhu cầu của mỗi người.
Nhưng dù sao thì bạn cũng đừng quên thực hành chủ nghĩa tối giản khi thực hiện các bước này nhé! Hãy cố gắng hết sức, chống lại sự thôi thúc của việc để mọi thứ trên bàn làm việc của mình!
4. Tô điểm góc làm việc với phụ kiện
Đây là lúc bạn nên thêm một tí sắc màu của riêng mình để hô biến chiếc bàn này thành chiếc bàn có một không hai. Có rất nhiều nhóm phụ kiện liên quan đến những mục tiêu khác nhau. Ví dụ bạn muốn góc làm việc ngoài dành cho công việc thì nó đồng thời cũng là nơi cho sự chữa lành, bạn có thể trang trí thêm đèn có ánh sáng vàng mang cảm giác ấm áp hoặc thêm một chậu cây bé xinh cho tâm hồn tươi mới. Và nhớ đừng quên áp dụng tư duy tối giản nhé!
Tips trang trí góc làm việc phong cách tối giản
Phong cách tối giản trông đơn giản đến mức chúng ta nghĩ rằng nó chẳng có mẹo gì đáng lưu ý. Nhưng đơn giản là nghệ thuật. Đơn giản nhưng hàm chứa rất nhiều sự phức tạp. Để có một góc setup đơn giản như vậy, nó cần sự nỗ lực của “chủ nhân” trong việc áp dụng vô số tips sau đây:
- Dọn dẹp, dọn dẹp và dọn dẹp: Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành khoảng 5 phút cho việc lau chùi và sắp xếp lại đúng vị trí là đã có ngay một chiếc bàn làm việc “trông như mới”.
- Để mọi thứ ở nơi chúng thuộc về: Tập luyện thói quen giữ mọi thứ ở ngay vị trí mặc định ngay sau khi sử dụng xong. Việc này giúp bàn làm việc luôn gọn gàng và còn giúp tinh thần bạn thoải mái bởi bạn không cần “truy lùng” chúng mỗi khi cần.
- Áp dụng quy tắc “one in - one out”: Khi mua một món đồ mới, bạn phải bỏ đi một món đồ cũ cùng loại. Quy tắc này giúp hạn chế khao khát mua sắm vô tội vạ của chúng ta rất hiệu quả đấy! Bạn đã thử chưa?
- Sử dụng hộp hoặc ngăn kéo lưu trữ: Để đồ đạc vào ngăn kéo không có nghĩa là giấu đồ, rồi sau đó mua thêm nhiều món khác. Bạn nắm rõ những gì mình đang sở hữu và biết mục đích của việc lưu trữ trong hộp hay ngăn kéo. Nó giúp tối ưu phần nhìn cũng như phân loại mọi thứ để dễ quản lý hơn.
- Sử dụng tủ văn phòng
- Thiết lập ảnh nền máy tính tối giản: Có vẻ không liên quan cho mấy nhưng nó lại có ảnh hưởng một cách vô hình lên cuộc sống. Bạn có thể thử chọn một hình nền đơn giản, không nhiều chi tiết, thậm chí đơn điệu và xem có sự thay đổi tích cực nào không nhé!
Những câu hỏi thường gặp
-
Có phải mọi người đều nên có một góc làm việc tối giản?
Câu trả lời là không nhất thiết. Mỗi người có sở thích và thói quen khác nhau. Một số bạn thích mọi thứ có mặt hết trên bàn thì làm việc mới có hiệu quả. Có một ý tưởng cho bạn! Bạn hãy thử lối setup tối giản trong một hoặc hai tuần và nếu nó khiến bạn khó chịu, hãy thử một phong cách khác.
-
Thiết kế tối giản có giúp ta cảm thấy hạnh phúc hơn không?
Những người theo chủ nghĩa tối giản có xu hướng hạnh phúc hơn bởi họ ít lo lắng về vật chất, ít căng thẳng hơn về cuộc sống và ít hỗn loạn hoặc lộn xộn trong suy nghĩ. Họ đề cao những mối quan hệ, tình cảm, sức khỏe, tinh thần, cảm xúc và việc tận hưởng những thú vui cơ bản và đơn giản mà cuộc sống mang lại.
-
Phong cách tối giản khác gì so với phong cách Bắc Âu?
Quả là chẳng sai khi nói chúng là anh em họ với nhau. Cả hai đều đề cao tính chức năng và sự gọn gàng, tránh lộn xộn. Điểm khác biệt chính giữa hai phong cách này nằm ở vật liệu sử dụng. Tối giản thường kết hợp thép không gỉ, crôm và nhựa sơn mài trong khi Bắc u lại tập trung vào các vật liệu hữu cơ như thảm gai dầu, ghế gỗ uốn cong và giỏ dệt.
Giờ đây, mình tin là bạn đã hiểu hơn về những điều thú vị mà thiết kế tối giản đem đến. Mong rằng những lợi ích thiết thực, các tips và ý tưởng setup mà Epione chia sẻ sẽ đi cùng bạn trong hành trình hoàn thiện góc làm việc trong mơ!