Setup văn phòng tại nhà theo phương pháp KonMari

Nội dung bài viết

    Trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới bởi tên gọi “Phương pháp KonMari”, nó được ứng dụng rộng rãi nhờ tính đơn giản và hiệu quả cho việc sắp xếp và quản lý đồ đạc. Không chỉ dành cho cuộc sống cá nhân, KonMari cũng tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống công việc. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về những quy luật, lợi ích mà nó mang lại cũng như những ứng dụng thực tiễn trong công việc.

    Phương pháp KonMari

    Phương pháp KonMari là gì?

    1. Tổng quan về phương pháp KonMari

    Phương pháp KonMari có nguồn gốc từ Nhật Bản và được giới thiệu bởi Marie Kondo, một nhà tư vấn sắp xếp nổi tiếng và là tác giả của nhiều cuốn sách. Kondo đã dành nhiều năm làm việc với khách hàng và thử nghiệm các phương pháp sắp xếp và tổ chức khác nhau để phát triển một phương pháp đơn giản và hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để biến đổi không gian sống của mình.

    Theo trang KonMari, “Phương pháp KonMari là một phương pháp dọn dẹp đơn giản nhưng hiệu quả, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ lặp lại tình trạng bừa bộn nữa. Nó sử dụng một tiêu chí lựa chọn duy nhất – chọn những gì mang lại niềm vui! Bạn không chọn những gì cần loại bỏ mà chỉ chọn giữ lại những món đồ thực sự ý nghĩa. Thông qua việc dọn dẹp, bạn có thể thiết lập lại cuộc sống của mình và dành phần còn lại của cuộc đời để được bao quanh bởi những người và những thứ mà bạn yêu thích nhất.”

    Chuyên gia sắp xếp Marie Kondo Chuyên gia sắp xếp Marie Kondo.

    Mọi người trên khắp thế giới bị thu hút bởi triết lý này không chỉ vì tính hiệu quả của nó mà còn bởi vì nó rất coi trọng việc xem xét nội tâm, hướng tới sự yên bình và vui tươi. Hơn nữa, nó khuyến khích chúng ta trân trọng những gì thực sự quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc sống. Học cách buông bỏ những thứ không còn mang lại niềm vui, cho dù đó là một bộ quần áo cũ nát hay một lối suy nghĩ tiêu cực.

    2. Hiểu về 6 quy tắc cốt lõi của KonMari

    2.1. Quy tắc 1: Cam kết dọn dẹp

    Mọi nỗ lực đến cuối cùng đều đi kèm một phần thưởng xứng đáng. Áp dụng phương pháp KonMari, bạn sẽ không chỉ trải nghiệm niềm vui khi được sống với những đồ vật mình yêu thích mà còn giúp rèn luyện sự kiên định và giúp ích cho việc xây dựng lối sống lý tưởng của mình.

    Khi bạn có một mục tiêu rõ ràng và thái độ có thể làm được, bạn sẽ có đủ động lực cần thiết để dọn dẹp tất cả đồ đạc của mình chỉ trong một lần. Bạn có tin không? Đặt ra mục tiêu dọn dẹp một cách nghiêm túc, quyết tâm dành thời gian và công sức cần thiết là quy tắc dọn dẹp đầu tiên.

    2.2. Quy tắc 2: Tưởng tượng lối sống lý tưởng của bạn

    Góc làm việc mong muốn Tưởng tượng về góc làm việc mong muốn.

    Giờ là lúc suy nghĩ về góc làm việc bạn mong muốn. Bạn muốn nó là một nơi trú ẩn yên bình hay sôi động để tạo hứng khởi? Bạn sẽ sinh hoạt và tận hưởng như thế nào trong góc làm việc ấy? Khi tưởng tượng về khung cảnh lý tưởng trong đầu, bạn đang thực sự làm rõ lý do tại sao bạn muốn dọn dẹp và hình dung ra cuộc sống công việc tốt đẹp nhất của mình.

    Nếu bạn thích vẽ, hãy phác thảo nó trên giấy. Nếu thích viết, hãy mô tả nó vào một cuốn sổ. Nếu thích tranh ảnh, bạn cũng có thể cắt ảnh từ tạp chí. Làm cho mọi thứ rõ ràng và trực quan sẽ khiến bản thân bạn muốn nỗ lực để hiện thực hóa nó hơn bao giờ hết.

    2.3. Quy tắc 3: Loại bỏ những món đồ bạn không cần

    Phương pháp KonMari tập trung vào những thứ bạn muốn giữ lại - những điều bạn trân trọng và mang lại cho bạn niềm vui. Bạn phải buông bỏ mọi thứ khác với lòng biết ơn. Ví dụ với Marie Kondo, cô lựa chọn từ bỏ những bức ảnh kỉ niệm với một lời tiễn biệt thích hợp. Marie sử dụng muối (một nghi lễ thanh tẩy của người Nhật) và bày tỏ lòng biết ơn về những gì họ đã dạy cô.

    Khi sắp xếp góc làm việc, hãy loại bỏ ngay những thứ bạn không cần giữ lại. Giấy tờ, hóa đơn, tạp chí, ghi chú cũ là một vài thứ phổ biến khiến góc làm việc trở nên bừa bộn. Sau khi loại bỏ những món đồ không cần thiết, bạn có thể chuyển năng lượng và sự chú ý của mình sang những thứ mang lại ý nghĩa thực sự.

    2.4. Quy tắc 4: Gọn gàng theo danh mục chứ không phải theo vị trí

    Mọi người thường lưu trữ cùng một loại mặt hàng ở nhiều nơi. Khi dọn dẹp từng nơi riêng biệt, bạn đang lặp lại cùng một công việc ở nhiều nơi. Bạn không bao giờ có thể nắm được số lượng tổng thể của từng loại đồ vật mà bạn sở hữu. Kết quả là bạn bị mắc kẹt trong một chu kỳ dọn dẹp không bao giờ kết thúc. Do đó, hãy sắp xếp gọn gàng theo từng loại từ sách, giấy tờ, bút viết (các vật dụng linh tinh) đến những vật dụng mang giá trị tinh thần như tranh, ảnh, mô hình,...

    2.5. Quy tắc 5: Thực hiện đúng thứ tự

    Bằng cách bắt đầu với quần áo (tương đối dễ dàng) và kết thúc bằng những món đồ mang giá trị tình cảm (thử thách khó nhằn), bạn sẽ trau dồi kỹ năng đưa ra quyết định của mình trong quá trình thực hiện. Tại góc làm việc, bắt đầu với sách có lẽ là hợp lý nhất, sau đó đến giấy tờ và các vật dụng nhỏ lẻ khác.

    Sắp xếp những quyển sách Bắt đầu bằng việc sắp xếp những quyển sách.

    Nhiều người trong chúng ta tích lũy rất nhiều sách, từ sách chuyên môn đến sách ngoại văn. Bạn chỉ nên giữ lại những cuốn sách mà bạn thường xuyên tham khảo hoặc những cuốn sách mà bạn cho là mang lại niềm vui cho mình. Quá trình này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về KonMari và quan trọng hơn là hiểu về chính mình.

    2.6. Quy tắc 6: Tự hỏi mình liệu nó có mang lại niềm vui không?

    Kondo chia sẻ với CNBC: “Bằng cách tổ chức sắp xếp, bạn trau dồi khả năng nhạy cảm với niềm vui và bạn cũng ý thức rõ về giá trị của mình. Bạn có thể sử dụng kiến ​​thức và khả năng đó để nâng cao tốt hơn các kỹ năng ra quyết định cho sự nghiệp của mình và thực sự bạn sẽ có thể trả lời tốt hơn những câu hỏi như “Tôi đang tìm kiếm điều gì trong sự nghiệp của mình và điều gì khiến tôi cảm thấy thoải mái?””

    Đôi lúc bạn sẽ thấy thật khó để biết cái nào thực sự là niềm yêu thích, cái nào chỉ là “cảm thấy thích”. Lúc này bạn hãy đặt tất cả chúng cạnh nhau, phép so sánh trực tiếp sẽ giúp bạn nhận diện dễ dàng hơn đó!

    Lợi ích của phương pháp KonMari trong công việc

    • Cải thiện khả năng tập trung: Khi đồ đạc của bạn nằm lộn xộn hoặc bị thất lạc, nó sẽ gây ra căng thẳng và lo lắng. Điều này khiến bạn khó tập trung vào những việc cần ưu tiên. Bằng cách áp dụng những quy tắc của phương pháp KonMari, không gian của bạn sẽ gọn gàng và hiệu quả hơn, cải thiện khả năng tập trung và gia tăng sức khỏe tinh thần.
    • Gia tăng năng suất làm việc: Phương pháp này giúp bạn tránh lãng phí thời gian để tìm kiếm những thứ bị thất lạc. Với KonMari, bạn sẽ biết chính xác mọi thứ ở đâu và do đó mất ít thời gian hơn để lo lắng cũng như bảo quản đồ đạc và dữ liệu của mình. Bạn có thể tập trung vào những việc quan trọng và hoàn thành được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.

      Gia tăng năng suất làm việc Dọn dẹp giúp gia tăng năng suất làm việc
    • Đem lại cảm giác an toàn: Sự lộn xộn ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác an toàn của một người. Những người bừa bộn có xu hướng cảm thấy lo lắng và căng thẳng hơn khi nhìn thấy đồ vật nằm rải rác hoặc không được sắp xếp đúng cách. Tương tự, sự lộn xộn trên nền tảng kỹ thuật số cũng có tác động tiêu cực đến tâm trí. Phương pháp KonMari đảm bảo mọi đồ đạc của bạn được sắp xếp gọn gàng, mang lại cho bạn một môi trường lành mạnh và hiệu quả để phát triển.
    • Cải thiện sức khỏe tài chính: Cách tiếp cận của KonMari không chỉ giúp bạn loại bỏ những món đồ không cần thiết mà còn ngăn cản việc mua những thứ bạn không cần. Về cơ bản, với ít đồ đạc hơn, bạn sẽ ít tốn chi phí bảo trì hơn. Hơn nữa, bạn cũng có thể kiếm thêm tiền bằng cách bán những thứ bạn muốn loại bỏ.

    Cách áp dụng phương pháp KonMari vào không gian làm việc

    Bằng cách thực hiện những mẹo mình đề cập bên dưới đây, bạn có thể đạt được không gian làm việc ngăn nắp và nâng cao năng suất trong công việc của mình.

    1. Đánh giá không gian làm việc hiện tại của bạn

    Trước khi áp dụng các nguyên tắc KonMari, bạn cần có cái nhìn rõ ràng về những gì bạn muốn đạt được từ góc làm việc này. Bạn cần những mục tiêu có thể thực hiện được và được xác định rõ ràng. Khi đã xác định rõ ràng, hãy tập trung vào việc chỉ giữ lại những món mà bạn tin rằng sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu ấy và loại bỏ những thứ gây cản trở khác.

    2. Sắp xếp và phân loại các mục

    Sắp xếp thư mục Sắp xếp các thư mục máy tính.

    Trong công việc, những thứ cần thiết và mang lại niềm vui cho bạn có thể là một quyển sách hay một bản PDF hiếm hoi. Một số thứ cũng có thể gây ra cảm giác tiêu cực, cho dù đó là email gay gắt từ sếp hay phản hồi từ đồng nghiệp, chúng đều nên được loại bỏ. Thay vì đưa ra những quyết định nhanh chóng, bạn hãy khám phá thêm lý do tại sao bạn cảm thấy khó chịu để hiểu hơn về chính mình.

    Còn những công việc linh tinh như đi dây cho các thiết bị điện tử, dán nhãn và phân loại các tài liệu giấy hay sắp xếp lại các ngăn chứa đồ cũng nên được thực hiện trong quá trình này. Về lâu dài, bạn sẽ không còn phải lăn tăn dọn dẹp từng vật nhỏ lẻ cũng như tiết kiệm thời gian rất nhiều cho bạn đó!

    3. Ra quyết định về những lựa chọn tối ưu cho góc làm việc

    Một phần lý do khiến không gian làm việc của chúng ta bừa bộn là vì việc đặt mọi thứ về đúng vị trí của chúng không dễ dàng và thuận tiện. Hãy tránh vấn đề này bằng cách bố trí một hệ thống lưu trữ liền mạch để bạn có thể dễ dàng bỏ vào và lấy ra.

    Giờ là lúc tưởng tượng bức tranh chi tiết về vị trí của từng món đồ được đặt. Bạn có thể lập một danh sách trên giấy hoặc vẽ phác thảo trên máy tính, miễn sao mọi thứ trong đầu bạn đều được mô tả trực quan và dễ theo dõi.

    Bàn làm việc và ghế đã phù hợp với bạn chưa? Những chiếc kệ, tủ lưu trữ có trong tầm tay để bạn dễ dàng tiếp cận? Có phụ kiện nào bạn cần mua thêm và có món nào cần loại bỏ bớt không? Ánh sáng và yếu tố công thái học thì sao?

    4. Duy trì sự gọn gàng có tổ chức

    Sẽ thật phí hoài nếu bạn không duy trì thói quen dọn dẹp một cách nhất quán. Sự gọn gàng có tổ chức không phải chỉ được tiến hành một lần là xong, nó đòi hỏi tính lặp đi lặp lại sao cho phù hợp với các nguyên lý cốt lõi của phương pháp KonMari.

    Nếu bạn không thể nhớ, hãy thiết lập một lịch biểu nhắc nhở dọn dẹp góc làm việc của bạn. Ở đây, tính nhất quán là chìa khóa - bằng cách kết hợp thói quen này vào thói quen hàng ngày hoặc hàng tuần, bạn có thể duy trì sự ngăn nắp và chức năng của văn phòng tại nhà.

    Bên cạnh đó, không gian kỹ thuật số cũng cần được xem xét. Hủy đăng ký khỏi danh sách email không cần thiết định kỳ và xóa các tin nhắn cũ không còn ý nghĩa với bạn. Từng bước một, bạn sẽ có cho mình góc làm việc trong mơ, và rồi bạn sẽ có được thói quen sống và phong cách sống bạn theo đuổi.

    Vậy là mình đã cùng bạn tìm hiểu về phương pháp KonMari nổi danh trong việc sắp xếp và tổ chức đồ đạc, đặc biệt là ứng dụng của nó trong không gian làm việc. Epione tin rằng những lợi ích mà nó đem lại cũng như những quy tắc dễ dàng áp dụng sẽ là nguồn động lực to lớn để bạn ứng dụng vào góc nhỏ của mình.