Ý tưởng setup văn phòng tại nhà dành cho Freelancers

Nội dung bài viết

    Bởi tính chất công việc tự do và linh hoạt, các bạn freelancers có rất nhiều cơ hội lựa chọn về nơi làm việc. Để thuận tiện và thoải mái nhất, nhiều bạn sẽ quan tâm đến việc setup một nơi làm việc “lý tưởng” ngay tại nhà và gặp khó khăn vì không biết bắt đầu từ đâu. Do đó, hãy cùng Epione khám phá tất tần tật những gì liên quan đến việc setup “thế giới” của riêng bạn trong bài viết này nhé.

    Ý tưởng setup văn phòng tại nhà cho freelancers

    Các bước bạn cần chuẩn bị trước khi setup

    1. Chọn không gian phù hợp

    Khi bạn nghĩ về việc lựa chọn không gian phù hợp, sẽ có rất nhiều yếu tố khiến bạn phải băn khoăn cũng như có những thứ bạn chưa từng nghĩ tới. Do đó, mình sẽ liệt kê một số yếu tố để bạn tham khảo trong lúc lựa chọn không gian cho riêng bạn:

    • Mục đích: Bạn có định tích hợp nhu cầu làm việc và giải trí không? Bạn có “share” góc làm việc của mình với ai khác, như người yêu, chồng hoặc vợ, anh chị em trong nhà? Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn kích thước bàn, số lượng ghế, cũng như diện tích góc setup.
    • Diện tích: Kích thước bạn mong muốn là bao nhiêu? Nơi làm việc của bạn sẽ ở trong một căn phòng to hay nhỏ? Nó sẽ là một góc căn phòng hay thuộc một căn phòng riêng biệt?
    • Vị trí: Góc setup có gần cửa sổ hay không? Nếu bạn đặt bàn làm việc gần cửa sổ, có lẽ bạn nên xem xét các tình huống không mong muốn như mưa, côn trùng, khói bụi, nắng nóng hoặc ngược sáng gây chói mắt khi làm việc. Nếu sử dụng tay nâng màn hình máy tính, bạn nên cân nhắc việc để máy tính quá sát tường gây cản trở lắp đặt.
    • Ánh sáng: Có 2 loại ánh sáng mà bạn cần phải cân nhắc, đó là ánh sáng xung quanh và ánh sáng nhấn. Đối với ánh sáng xung quanh, ánh sáng tự nhiên là tuyệt vời trên hết, nếu không bạn có thể sử dụng ánh sáng nhân tạo từ đèn LED và nên lựa chọn ánh sáng vàng. Ánh sáng vàng sẽ làm cho góc làm việc trở nên ấm áp hơn và giảm thiểu lượng ánh sáng xanh từ màn hình máy tính. Còn với ánh sáng nhấn, ScreenBar điều chỉnh được ánh sáng có thể là chân ái dành cho bạn.
    • Sự tiện lợi: Góc làm việc của bạn có gần với các ổ cắm điện, dễ bắt wifi và đi lại giữa các khu vực trong nhà?
    • Phong thủy: Nếu bạn tin vào phong thủy thì chắc chắn không thể bỏ qua việc nghiên cứu hướng làm việc hợp phong thủy rồi.

    2. Trang bị những gì cần thiết

    Nhu cầu của bạn designer sẽ khác với nhu cầu của bạn content writer, do đó bạn cần xác định được nhu cầu cá nhân của mình. Sau đó, lên danh sách những món đồ bạn cần, chắc chắn mua hoặc sẽ mua sau. Liệu chúng đã có sẵn hay cần mua thêm? Mua mới hay mua lại từ bạn bè và các nhóm trên mạng xã hội?

    Nếu bạn có nhu cầu về test giao diện website, lập trình hoặc thiết kế, bạn nên quan tâm đến cấu hình máy tính, độ phân giải và kích thước màn hình, số lượng màn hình,... Nếu bạn là người thường xuyên ngồi lâu, có thể bạn sẽ cần đến các thiết bị công thái học.

    Thiết bị cần thiết với ngân sách hợp lý dành cho bạn

    1. Bàn, ghế

    Gợi ý cách setup bàn, ghế Gợi ý setup bàn, ghế.

    Đối với bàn, ghế, bạn nên xác định các nhu cầu của mình, lên danh sách hoặc vẽ phác thảo về các yếu tố như:

    • Những thiết bị, phụ kiện nào sẽ có mặt trên bàn của bạn? (máy tính, màn hình, đèn, bàn phím, chuột, bảng ghi chú, sổ tay, bút, nến, chậu cây,...). Từ đây, bạn sẽ biết được tải trọng mong muốn của mình.
    • Bạn thích một chiếc bàn rộng hơn hay vừa đủ với nhu cầu? (những khoảng trống có thể khiến góc làm việc trông tươi sáng và gọn gàng hơn đấy)
    • Bạn sẽ sử dụng bàn, ghế trong bao lâu? Chất liệu cũng là yếu tố đáng lưu ý về tính bền vững. Gỗ tự nhiên sẽ bền hơn nhưng kéo theo giá thành cao và thời gian hoàn thành lâu hơn gỗ công nghiệp.
    • Màu sắc tươi sáng (trắng, vàng nhạt) hay trầm ấm (nâu, đen) sẽ là gu của bạn?
    • Bạn có thường xuyên ngồi hàng giờ liền làm việc? Bạn có quan tâm về sức khỏe? Nếu có thì bạn có thể nghiên cứu thêm về bàn, ghế công thái học.

    2. Màn hình

    Tùy thuộc vào nhu cầu và tài chính của mình mà bạn sẽ lựa chọn giữa một máy PC, một laptop đơn lẻ, một laptop kết nối với một hay nhiều màn hình rời. Ví dụ, với hầu hết chúng ta, những người đi làm văn phòng hoặc học sinh, sinh viên, có lẽ hai màn hình đã là đủ cho những công việc hằng ngày. Nhưng nếu bạn là một developer có nhu cầu test giao diện website, thì setup đa màn hình là điều mà bạn sẽ quan tâm đấy!

    Ví dụ về setup đa màn hình Ví dụ về setup đa màn hình.

    3. Chuột, bàn phím

    Bàn phím và chuột cũng quan trọng không kém. Sử dụng bàn phím và chuột không phù hợp có thể gây đau nhức cổ tay của bạn. Vì vậy, bạn có thể tham khảo thêm về bàn phím và chuột có hỗ trợ công thái học nữa nhé! Hiện nay trên thị trường có những mẫu còn có thiết kế vô cùng độc đáo và bắt mắt không thua kém gì so với những chiếc bàn phím và chuột thông thường. Một số sản phẩm nổi trội có thể kể đến như bàn phím Kinesis Freestyle Edge RGB, bàn phím Keychron Q8, chuột Logitech Lift Vertical,...

    Bàn phím và chuột công thái học Bàn phím và chuột công thái học.

    Phụ kiện

    Bên cạnh các thiết bị cần thiết, phụ kiện là thứ không thể thiếu góp phần làm cho góc làm việc trở nên “hấp dẫn” hơn. Mình sẽ gợi ý cho bạn một số phụ kiện phổ biến cho việc setup:

    • Khay đi dây: Giúp bảo vệ, nâng đỡ và giúp cho các loại dây điện, cáp trông gọn gàng hơn.
    • Kệ màn hình: Tối ưu không gian một cách tinh tế và sắp xếp mọi thứ dễ dàng.
    • Tay nâng màn hình: Khả năng xoay dọc và ngang linh động, điều chỉnh khoảng cách và vững chắc giúp tiết kiệm không gian hiệu quả, giúp bạn trở nên “hitech” cùng lợi ích sức khỏe về lâu dài.
    • Đèn treo màn hình: Với khối lượng nhẹ cùng khả năng phân phối nguồn sáng đồng đều, không như các loại đèn bàn thông thường chỉ đến từ một phía, đèn treo màn hình còn hỗ trợ tối ưu không gian, ngăn chặn ánh sáng xanh và ánh sáng nhấp nháy, giúp bảo vệ mắt hoàn toàn.
    • Phụ kiện khác: Khung ảnh, bảng ghi chú, chậu cây nhỏ, giá sách, nến, mô hình, loa, thùng rác mini,... bất cứ thứ gì khiến bạn thích thú và nhỏ gọn đều xứng đáng có mặt tại “khu vườn tri thức” này.

    Ý tưởng thiết kế góc học tập đa dạng

    Để giúp bạn hình ảnh hóa những ý tưởng thiết kế phổ biến, mình sẽ đem đến cho bạn một vài ví dụ điển hình về các phong cách khác nhau như phong cách tối giản, phong cách Bắc Âu,... ngay sau đây.

    1. Phong cách Minimalism (tối giản)

    Phong cách tối giản ưu tiên chức năng và mục đích sử dụng, loại bỏ các chi tiết trang trí không cần thiết. Các tông màu trung tính bao gồm trắng, đen, xám, nâu sẫm, và gỗ thường đại diện cho phong cách này.

    Góc setup phong cách tối giản Góc setup phong cách tối giản.

    2. Phong cách Modern (hiện đại)

    Phong cách hiện đại đề cao tính thẩm mỹ cùng công năng sử dụng với tiêu chí bền vững - tiện lợi - đẹp. Phong cách này gắn liền với các thiết kế hình dáng đẹp và hiện đại, họa tiết đậm, bảng màu trung tính thỉnh thoảng có điểm nhấn rực rỡ.

    Góc setup phong cách hiện đại Góc setup phong cách hiện đại.

    3. Phong cách Scandinavian (Bắc Âu)

    Phong cách này thường dễ nhầm lẫn với phong cách tối giản bởi cả hai đều sử dụng các gam màu sáng, nhẹ nhàng, có độ tương phản cao. Sự khác biệt lớn về triết lý thiết kế là Minimalism nhấn mạnh khái niệm "less is more" trong khi Scandinavian tập trung vào việc tạo ra những không gian ấm áp, vừa tiện dụng vừa đẹp mắt về mặt thẩm mỹ. Hơn nữa, phong cách Bắc Âu thường tập trung vào vật liệu đến từ thiên nhiên là chủ yếu như gỗ, gai, mây, giỏ dệt,… thay vì chất liệu da, thép không gỉ và crom như phong cách tối giản.

    Góc setup phong cách Bắc Âu Góc setup phong cách Bắc Âu.

    4. Phong cách Vintage (cổ điển)

    Phong cách cổ điển đem đến cho bạn cảm giác thân quen với tone màu nhẹ nhàng, mang đến không gian mộc mạc dễ chịu và yên bình. Do đó, phong cách này hiện đang rất được ưa chuộng với con dân nghiện setup.

    Góc setup phong cách cổ điển Góc setup phong cách cổ điển.

    5. Phong cách Tropical (nhiệt đới)

    Màu xanh tươi mát của rừng cây nhiệt đới, màu xanh trời mây và biển cả đã tạo nên nét đặc trưng của phong cách nhiệt đới. Phong cách này sử dụng rất nhiều cây xanh (thường là những chậu cây to, tán lá rộng và dài) để bày trí và các bức tranh gợi nhớ về những bãi cát vàng, biển xanh, và những cơn gió nhiệt đới của vùng bờ biển. Tất cả hòa quyện mang lại cho bạn sự thư thái, bình yên và hơn hết là sự gần gũi với thiên nhiên.

    Góc setup phong cách nhiệt đới Góc setup phong cách nhiệt đới.

    Một số tips và lưu ý

    1. Giữ cho không gian làm việc được chiếu sáng tốt

    Cho dù bạn là designer, content writer hay developer, thì việc giữ cho không gian làm việc của bạn đủ ánh sáng là điều tối quan trọng khi setup. Tùy vào khung giờ làm việc cũng như sở thích cá nhân, bạn sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn giữa nguồn ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo. Nếu bạn ưa chuộng ánh sáng tự nhiên, có thể bạn cần lưu ý thêm về hướng chiếu sáng để tránh quá nắng, nóng và gây chói mắt khi làm việc. Lúc này, một chiếc rèm mỏng có thể hữu ích cho bạn đấy.

    2. Để những vật dụng cần thiết trong tầm tay

    Bạn hãy tưởng tượng mỗi lần bạn cần cây viết, cuốn sổ hay một cốc nước ngay lập tức, nhưng chúng lại xa tầm tay và gây cản trở lớn cho sự tập trung của bạn. Vì vậy, hãy đặt những gì cần thiết trong tầm tay để có thể nhanh chóng quay về “flow” của mình. Nếu không, có lẽ bạn nên xem xét về việc mua một chiếc bàn với kích thước lớn hơn để chứa chúng.

    3. Tạo khoảng trống để di chuyển

    Làm việc không phải lúc nào bạn cũng ngồi một chỗ, bạn thi thoảng sẽ đứng dậy, vươn vai và đi lại xung quanh. Do đó, giữ không gian làm việc thông thoáng để bạn có thể dạo quanh thoải mái là rất cần thiết.

    4. Đầu tư vào các thiết bị công thái học

    Những cơn đau lưng, đau vai gáy, đau cổ tay hẳn đã trở thành nỗi ám ảnh của các bạn developers hay designers - những người phải ngồi lâu hàng tiếng đồng hồ. Những cơn đau không chỉ làm gián đoạn khả năng tập trung mà còn gây ảnh hưởng sức khỏe của bạn về lâu dài. Công thái học ra đời là để khắc phục tình trạng mà bạn cũng như nhiều người đang gặp phải. Hơn nữa, setup mọi thứ công thái học cũng khiến bạn trông “cool” hơn đó.

    5. Tận dụng các vật dụng đang có

    Bên cạnh việc mua mới thì tận dụng các vật dụng đang có sẽ giúp bạn tiết kiệm ngân sách kha khá. Mặt khác, tái chế đồ cũ cũng là một giải pháp bảo vệ môi trường. Bạn có thể tạo nên kệ sách hay chậu cây từ những bìa carton cũ, lọ thủy tinh có thể tái chế thành hộp đựng bút và chiếc móc treo quần áo sẽ dùng để treo ảnh,...

    Epione vừa đem đến cho bạn những ý tưởng sơ khai cho việc setup “thế giới” của riêng bạn. Mình hy vọng các bước chuẩn bị, những ý tưởng và tips mình vừa đề cập sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra quyết định khó nhằn khi trang trí góc làm việc trong mơ. Khi bạn có cho mình một nơi làm việc tốt, bạn sẽ thấy làm việc cũng là một niềm vui.